Nhân dân và cán bộ xã Thanh Lạc quyết tâm phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao năm 2024
Thanh Lạc là xã đồng chiêm trũng của huyện Nho Quan, cách trung
tâm huyện 10km về phía Đông Nam. Phía
Bắc giáp xã Thượng Hòa; Phía Nam giáp xã Sơn Thành và Phú Lộc; phía Đông giáp
xã Gia Minh huyện Gia Viễn; phía Tây giáp xã Văn Phú; Nền kinh tế của xã
chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó trồng lúa, chăn nuôi gia cầm và nuôi
thả cá vụ giữ vai trò chủ đạo. Trên địa bàn xã có các tuyến đường giao thông
quan trọng chạy qua như đường ĐT479E nối liền giữa xã Thượng Hòa, xã Thanh Lạc và
xã Sơn Thành; đường trục chính Mí -
Thanh Lạc nối từ Quốc lộ 12B đến cầu chùa Đồng Lạc tạo điều kiện thuận lợi cho
việc phát triển kinh tế - xã hội, giao thương, lưu thông hàng hóa nhất là việc
cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua thóc lúa, hệ thống cơ sở hạ tầng về giao
thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi xã hội đã được
quy hoạch và đầu tư xây dựng đảm bảo theo quy định.
Xã có tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 645,59 ha trong đó:
Đất nông nghiệp 421,43 ha chiếm 65,28%; đất phi nông nghiệp 191,5 ha chiếm
29,66%; đất chưa sử dụng 32,66 ha chiếm 5,06%.
Toàn xã có 9 thôn, dân số là 1.040 hộ với 3.781 khẩu, trong đó số khẩu theo đạo thiên chúa là 426
khẩu, số khẩu người dân tộc thiểu số là 66 khẩu.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông nghiệp, thủy
sản chiếm 65 %, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm và dịch vụ chiếm 35%; giá trị bình quân trên 1ha đất canh tác năm 2021 là 93,0 triệu đồng;
Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 52
triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 2,4%.
Đảng bộ xã có 13 chi bộ với 272 đảng viên, trong đó có 9 chi bộ thôn, 3 chi bộ trường
học và 1 chi bộ công an xã. Trong những năm qua Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân
trong xã luôn đoàn kết, cần cù, chịu khó, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của
Đảng, tổ chức triển khai thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, nghị quyết
của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân
chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu
Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh
Lạc luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự
lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng
nông thôn mới của huyện. Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Lạc đã nỗ lực phấn đấu, huy động tối đa mọi nguồn lực để triển
khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi bắt đầu triển khai thực hiện xây
dựng nông thôn mới năm 2011 theo đề án quy hoạch chung xây
dựng nông thôn mới xã Thanh Lạc được UBND huyện Nho Quan phê duyệt tại quyết
định số 3539/QĐ-UBND ngày 29/12/2011, xã Thanh Lạc mới đạt được 2 tiêu chí, gồm có
tiêu chí số 1 về Quy hoạch và tiêu chí số 14 về Giáo dục, đến năm 2020 xã Thanh Lạc đã về đích nông thôn mới hoàn
thành 20/20 tiêu chí, đang từng bước phấn đấu xây dựng đạt xã nông thôn mới nâng cao năm 2024, kể từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn
mới bộ mặt nông thôn xã Thanh Lạc đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh
thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố,
dân chủ ở cơ sở được phát huy, hạ tầng nông thôn ngày càng được đổi mới.
Quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của
Trung ương, của tỉnh, huyện, Đảng ủy,
Hội đồng nhân dân, UBND xã đã xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng
Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân với vai
trò là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Ngày 29 tháng 3 năm 2011 Ban Chấp hành
Đảng bộ xã khóa XXVII đã ban hành nghị quyết số 07-NQ/ĐU về xây dựng nông thôn
mới xã Thanh Lạc giai đoạn 2011 - 2015,
định hướng đến năm 2020.
Ngày 15/01/2012 HĐND xã nhiệm kỳ 2011 -
2016 ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về việc thông qua đề án xây dựng nông
thôn mới xã Thanh Lạc giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.
Ngày 12 tháng 7 năm 2022 Ban Chấp hành
Đảng bộ xã khóa XXIX đã ban hành nghị quyết số 28-NQ/ĐU về xây dựng nông thôn
mới xã Thanh Lạc giai đoạn 2021 - 2025.
Ngày 10/7/2012 Đảng
ủy xã đã ban hành Quyết định số
08-QĐ/ĐU về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Thanh Lạc giai đoạn 2010 - 2020, gồm 19 đồng chí, do Bí thư Đảng bộ xã làm trưởng ban, Phó bí
thư thường trực Đảng ủy xã, Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, làm phó
ban, trưởng các ban, ngành, đoàn thể làm ủy viên.
Ủy ban nhân dân xã ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2011 về việc thành
lập Ban quản lý xây dựng nông thôn
mới, gồm 24 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm
trưởng ban, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm phó ban,
các ủy viên gồm trưởng các ban, ngành, đoàn thể trong xã, thành lập các ban phát triển thôn của 9 thôn do đồng chí bí thư chi bộ làm trưởng ban, Trưởng thôn
làm phó ban và các thành viên là các ông bà trưởng các đoàn thể ở thôn và đại
diện nhân dân trong thôn; Ban giám sát đầu tư cộng đồng; Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã đã ban hành quy chế hoạt động, phân công
nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và kịp thời kiện toàn khi có thay đổi về
nhân sự.
Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã thường
xuyên tổ chức tuyên truyền nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới đến mọi tổ chức và người dân trong xã trên hệ thống đài truyền
thanh 3 cấp, tổ chức 49 hội nghị với 2.225 lượt người tham gia, phát hành trên
1.000 bộ văn bản tài liệu phục vụ công tác chỉ đạo và hội họp; tổ chức treo 265
băng zôn, pa nô, áp phích, thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền
thanh 3 cấp của xã và hệ thống loa ở các thôn (mỗi tuần 2 buổi, thời lượng 15
phút/lần phát).
Hàng năm đều cử cán bộ tham gia các lớp tập
huấn do tỉnh, huyện tổ chức cho cán bộ làm công tác NTM của xã và các ông, bà
trưởng, phó ban phát triển thôn tham
gia qua đó đã nâng cao kiến thức, kỹ năng
quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát tại cộng đồng, phát huy vai trò người
dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Ban chỉ đạo xây dựng
nông thôn mới của xã đã xây dựng kế hoạch và tổ chức lễ phát động phong trào
thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” đến mọi tổ chức đoàn
thể quần chúng và nhân dân trong xã.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa đẩy
mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống lúa mới có năng
suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của vùng kinh tế. Diện
tích gieo trồng lúa năm 2022 là 384,1 ha, năng xuất lúa bình quân hằng năm đều
đạt từ 65 đến 68 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt từ 2.900 đến 3.200
tấn/năm. Toàn xã có 400,4 ha nuôi thả
cá theo mô hình một lúa, một cá năng xuất cá
đạt từ 550 đến 600 kg/ha sản lượng đạt từ 220 đến 240 tấn.
Xã đã xây dựng
nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, tiêu biểu như mô hình kết
hợp chăn nuôi gia cầm với nuôi thả cá và trồng lúa, trên toàn xã tổng có 18 gia trại quy
mô vừa và nhỏ; tính đến 30/6/2022 trên toàn xã có tổng số đàn gia súc là 2.556 con; đàn gia cầm các loại là
33.500 con.
Trên địa bàn xã có 23 hộ sản xuất kinh doanh ngành nghề
đang hoạt động, thu hút hơn 100 lao động có mức thu nhập ổn định từ 5 đến 6,5
triệu đồng tháng.
Số lao động làm việc tại các Công ty, doanh nghiệp trong
và ngoài tỉnh là 575 người có thu nhập từ 5,5-7,5 triệu đồng/người/tháng,
tại thời điểm tháng 06/2022 xã có
61 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, chủ yếu
là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và đang có thu nhập ổn định.
Trên địa bàn xã có 01 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu
quả, thực hiện tốt 7 khâu dịch vụ sản xuất nông nghiệp như: Dịch vụ nước, làm
đất, vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật và diệt chuột, bảo vệ đồng ruộng, thủy
lợi nội đồng, quản lý và sử dụng đúng mục đích nguồn miễn thủy lợi phí phục vụ
tốt nhu cầu sản xuất, hoạt động kinh doanh dịch vụ có hiệu quả.
Trong những năm qua công tác dạy nghề, tạo việc làm được
UBND xã đặc biệt quan tâm, đã phối hợp tổ chức 12 lớp dạy nghề cho hơn 600 lao
động, mở 16 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho 830
lượt người tham gia, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động
nông thôn.
Sau thời gian hơn 10 năm triển khai thực
hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã Thanh Lạc đã có sự thay đổi tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Diện mạo của nông thôn được đổi mới, nhận thức của người dân được nâng lên, bản sắc văn hoá dân tộc được
giữ gìn và phát huy; hạ tầng cơ sở đã được quan tâm
đầu tư, xây dựng, là nền tảng để phát
triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của
nhân dân, trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tích cực
phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của nhân dân, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, giữ vững. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, then
chốt của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, tiếp tục huy động nguồn lực của
cả xã hội để tập trung xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao hơn nữa đời sống
vật chất và tinh thần cho người dân; xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh
tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý,
gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn
với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa
dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh được giữ vững.